Có luật lệ tạo hình cho bonsai không?

7/12/2010

Có luật lệ (rules) cho bonsai không?

Bonsai bắt nguồn từ Tàu nhưng người Nhật đã hệ thống hóa và phát triển nó cho tới ngày nay

Thật ra, có nhiều sách nói về luật (rules) cho tạo cây bonsai. Tác giả Brent Walston có một bài viết về vấn đề này. Tôi nhận được một email gần đây về nó. Đọc thấy hay và xúc tích, cho nên sẽ dịch ra đây cho ACE cùng xem. Vì bài viết dài, cho nên sẽ viết từ từ. Tựa đề bài viết là: “The ‘rule’ of Bonsai” by Brent Walston. Tôi sẽ cố dịch thoáng, và những đoạn cần chua thêm ý của tôi, tôi sẽ đánh máy với chữ màu xanh. Bắt đầu nha.

Như tất cả các ngành nghệ thuật, bonsai thường được tạo ra dựa trên các tiêu chỉ (guidelines) hoặc các luật lệ (rules). Luật lệ có lẽ là một từ mang tính cứng nhắc trong nghệ thuật tạo hình bonsai, mặc dù vậy, nhiều người vẫn đang dùng từ Luật lệ trong bonsai. Những luật lệ này không cứng nhắc, và thường bị vi phạm trong trường hợp cần thiết; dù sao chúng là hướng dẫn cần thiết để tạo dáng một cây cho đẹp, và là một thông tin vô giá cho những ai đang học môn bonsai. Trong đời thường, luật lệ là cái mà mọi người phải tuân theo, không thể vi phạm. Trong nghệ thuật, nếu cứ cứng nhắc theo luật, thì chắc chắn là sản phẩm tạo ra từ người này, sẽ giống y như của người khác. Lúc đó, cuộc sống thất là đơn điệu biết bao! Chính vì thế nếu gọi các tiêu chỉ là luật lệ, thì không thích hợp trong nghệ thuật!

Những luật này hầu hết từ hệ phái bonsai Nhật Bản trong vài thế kỷ vừa qua. Chúng chẳng qua là sự phân tích xem cái gì tạo “tác động tốt” (“work”), và cái gì “không tác động tốt” (“doesn’t work”) trong tạo hình bonsai! Hầu như ai cũng có thể tạo cho mình một cây bonsai đẹp nhờ tuân thủ các luật này, bất kể người đó có năng khiếu hay không! Đó chính là nét đẹp của luật lệ bonsai. Dĩ nhiên, một bonsai xuất sắc sẽ phụ thuộc vào năng khiếu, kinh nghiệm từng trải, của người làm ra nó!

Luật về Thân và Bộ rễ trên bề mặt (Trunk and Nebari rules):
1. Chiều cao của thân nên bằng 6 lần đường kính của thân tại gốc. Thí dụ: đường kính gốc = 3 cm, thì chiều cao của thân nên là 3 x 6 = 18 cm

2. Thân cây nên hơi ngã về phía trước (tức là ngã về phía người xem- giống như một người đứng gần phía trước một cây lớn, và nhìn lên cây, sẽ thấy cây như đang đổ về phía mình vậy)

3. Thân cây nên lớn tỏa ra tại gốc, tạo cảm giác vững vàng.

4. Rễ cây trên mặt (nebari) nên tỏa ra các hướng từ gốc cây, nhưng
5. Rễ cây không được đâm thẳng vào mặt người xem.

6. Đỉnh (apex) của cây nên ngã về phía người xem (cũng giống 2. )

7. Thân cây nên nhỏ dần từ gốc lên ngọn. Không được dưới nhỏ trên to (reverse taper).

8. Nếu tháp nhánh (grafting), phần cành tháp và cây được tháp phải có phần vỏ gần giống nhau, để không lộ sự khác nhau, và chỗ tháp nên làm thấp gần gốc cây, để có thể hòa vào mặt rễ (nebari)

9. Các đường cong tại thân cây không nên tạo ra dáng “ức bồ câu” (“pigeon breast”) (tức là tạo hình cung tròn hướng về phía người xem)

10. Đỉnh cây (apex) nên hướng theo hướng của phần thân sát gốc. “flow” (không biết tiếng Việt) nên được giữ. (flow có thể hiểu như một dòng chảy cùng một hướng)

11. Đường đi của thân cây (trunk line) không nên di chuyển ” trở lại” (” back on itself”). Đây là một trong những luật lệ của tôi và khó mà giải thích được. Nó liên quan đến flow của cây. Một đường đi của thân mà di chuyển trở lại hướng đã đi, sẽ tạo ra đường cong “C” . Không đẹp!

12. Đối với dáng thẳng đứng formal và informal (không biết tiếng Việt!), đỉnh cây nên thẳng hàng với phần gốc của thân.

13. Cây dáng thẳng informal (informal upright), quá nhiều đường cong chữ “S” , sẽ làm nhàm chán!

14. Khi đi từ gốc lên ngọn cây, các đường cong của thân cây nên từ từ gần nhau hơn (giống như đứng trước một cây cao lớn, nhìn lên ngọn, sẽ thấy các phần thân giữa các cành cây sẽ dần dần ngắn lại)

15. Một cây chỉ nên có một đỉnh (apex)

16. Cây 2thân (twin tree trunks), phần chia làm 2 nên xảy ra tại phần gốc thân, không nên tại phần cao của thân.

 Nguyên văn bởi hoaiemnguyen
Chào chú Bonhe!
cháu cũng có đọc qua một số quy tắc về bonsai của thầy Thái Văn THiện (trường bonsai Thanh Tâm). cháu thấy cũng có nhiều điểm tương đồng; nhưng lại ko có người bàn luận cũng như nói lên nhận xét của mình.
rất cám ơn chú đã lập topic này.
còn sau là nhận xét của cháu:
cháu thấy các quy tắc (chẳng hạn như quy tắc 1, 3, 7…) ta tuân theo là rất bình thường vì theo định nghĩa về bonsai thì những quy tắc này giúp cho tác phẩm của ta sinh động và giống cây ngoài thật hơn. không thể nói là gập khuôn được.
còn như các quy tắc 2, 5, 10 thì không biết có phải là do kinh nghiệm của các cụ về quan sát cây lập ra không; vì theo cháu nó bắt nguồn từ cảm quan!? và nếu tuân thủ theo các quy tắc này có giết chết tính sáng tạo hay không?
Bonhe

Tại bạn hỏi cho nên nói luôn một số phần nha. Qui tắc 1, đó chỉ là lý thuyết thôi! Bây giờ bạn ra ngoài thiên nhiên, thử tìm xem có cây nào đúng tiêu chuẩn này không nha :ko: Sẽ có rất nhiều cây đẹp tuyệt vời mà không theo qui tắc này!

Qui tắc 2, 6, 7, 14 thật ra là một hiện tượng của giác quan (Perspective – là một trong những qui định của nghệ thuật). Nó giúp cho một vật thể mang tính 3 chiều ngay cả khi nó đang đuợc nhìn 2 chiều mà thôi. Não bộ của con người sẽ cho đây là hình thể 3 chiều!! Bạn cứ đứng gần gốc một cây đa đầu làng, và nhìn lên phía ngọn của thân, thì sẽ hiểu điều này. Cho nên, khi áp dụng các qui tắc này vào tạo hình bonsai, thì chắc chắn sẽ thành công! Cây sẽ nhìn tự nhiên và trông già cỗi hơn (dĩ nhiên phải phối hợp với các yếu tố khác). Theo tôi thấy, qui tắc không có nghĩa là bất di bất dịch. Phải biết sáng tạo, thay đổi lúc này lúc khác, thì sản phẩm mới không trùng lập với của người khác. Nghệ thuật nào cũng vậy, mấy bà nội trợ cũng có nghệ thuật nấu ăn, chỉ thêm gia vị này nọ, với nồng độ hơi khác, là món ăn đã khác rồi

Qui tắc 10: nếu theo qui tắc này thì người xem sẽ thấy dễ chịu hơn vì não bộ của mình. Dòng chảy (flow) tư tưởng! Nhưng như đã nói, dĩ nhiên có thể làm ngược lại, tùy điều kiện cho phép!

Luật về cành nhánh (Branches)

1. Cành không được bắt chéo thân cây hay cành bắt chéo cành

2. Cành không được chọc thẳng vào mặt người xem (eye-poking branches)

3. Cành đầu tiên (số 1) nên xuất phát ở khoảng 1/3 dưới của chiều cao thân cây. Thí dụ: cây cao 60cm, thì khoảng 60 x1/3= 20 cm từ gốc, nên có cành 1

4. Các cành tiếp theo xuất phát khoảng 1/3 dưới của khoảng cách giữa 2 cành. Thí dụ: cây với chiều cao như trên (60cm) từ cành 1 tới đỉnh cây sẽ là 40 cm. 40 x 1/3 = 13 cm, cành 2 sẽ cách cành 1 khoảng 13 cm. Từ cành 2 tới đỉnh cây khoảng 40 – 13 = 27 cm, do đó cành 3 sẽ cách cành 2 là 27 x 1/3 = 9 cm, cứ tính như thế lên tới đỉnh cây, sẽ là cành 4,5, v.v…

5. Cành nên xuất phát từ phần lồi của thân cây (không từ phần lõm – no belly branches)

6. Đường kính của cành nên tỉ lệ với đường kính của thân cây tại nơi đó (tì lệ 1/3 – tức là nếu thân tại đó là 3 cm thì cành nơi đó là 1 cm)

7. Cành 1 nên ở bên trái (hay phải), cành 2 phải (hay trái), cành 3 nên là cành hướng ra sau

8. Các cành nên thay đổi luân phiên, không được song song

9. các cành nên giảm dần về kích cỡ đường kính khi lên cao dần

10. Nên có khoảng không giữa các cành “để chim chóc có thể bay qua” (ý nói là khoảng âm – negative space)

11. Cành 1 và 2 nên hướng ra trước tính từ đường giữa đi ngang qua thân cây (mặt phẳng ngang) để tạo cảm giác mời gọi đến người thưởng ngoạn!

12. cành 1,2 và 3 cách nhau khoảng 120 độ, với cành 3 không được chỉa thẳng ra sau (tức là cành 3 phải được nhìn thấy từ phía trước – không bị thân cây che khuất hẳn)

13. Chỉ có một cành tại một nơi của thân cây. Tức là không được có nhiều cành xuất phát cùng một chỗ của thân cây hay là 2 cành không được đối xứng với nhau (bar branches)

14. Tổng hợp các cành lại, nên tạo ra dáng tam giác không cân (scalene triangle) với góc đỉnh biểu hiện God (Thiên), góc giữa biểu thị con người (Nhân) và góc dưới biểu thị đất (Địa). Thiên thời, địa lợi, nhân hòa- Thiên Địa Nhân, liên quan mật thiết với nhau

15. Các secondary branches (cành cây sẽ cho các nhánh, nhánh xuất phát từ cành, gọi là secondary branches – tiếng Mỹ, các nhánh xuất phát từ secondary branch, gọi là tertiary branches, v.v…) nên xuất hiện luân phiên trái, phải và theo luật lệ của sự phân phối cành cây, ngoại trừ là secondary branches không nên hướng lên hay xuống. Secondary branches sẽ tạo ra tán lá (foliage pad).
Tôi không biết các bạn tại VN gọi secondary branches là gì, tùy ACE hiểu nha.

16. Để tạo cho cây có dáng vẻ già cỗi, dùng dây kim loại để uốn các cành nhánh hướng xuống dưới. Cây còn non, thì các cành nhánh của nó hướng lên trời. Các cành nhánh gần hoặc ở đỉnh cây, có thể nằm ngang, hay hướng lên trời vì vùng này của cây không già như những vùng khác.

17. Các cành, nhánh của cây dáng thác đổ (cascade), nói chung theo luật lệ của dáng Trực (upright), ngoại trừ thân cây đi xuống.

18. Ở cây có 2 thân (twin trunks), không nên có cành hay nhánh của thân này bắt chéo thân kia! Các cành hướng ra ngoài của 2 thân, tổng thể, nên tạo hình tam giác.

19. Jin (gỗ chết ở đầu cành hay nhánh, hay đỉnh cây, không nên bị che dấu bởi tán lá.

Chậu (Pots)

1. Cây nên được đặt đằng sau đường đi ngang qua giữa chậu (midline) nhìn từ phía bên , và nằm bên trái hay phải của đường đi ngang qua giữa chậu (center line) nhìn từ phía trước

2. Độ sâu của chậu nên bằng với đường kính của thân cây, ngoại trừ cây dáng thác đổ (cascade)

3. Chậu màu tráng *** (colored glazed pots)(tráng *** bên ngoài thành chậu, chứ không phải bên trong thành chậu) nên được dùng cho cây cho hoa và cho trái, và màu nên hài hòa với màu của hoa hay trái.

4. Chiều rộng của chậu nên bằng 2/3 chiều cao của cây (cây cao 15cm, thì chiều rộng của chậu: 15×2/3=10cm). Đối với cây mà rất lùn, chiều rộng của chậu nên bằng 2/3 độ dài của tán lá (the spread of the tree)

5. Kiểu dáng chậu nên hài hòa (match) với cây. Cây dáng trực (upright) nên dùng chậu chữ nhật; cây dáng trực lắc (informal upright) với thân có nhiều đường cong ngoạn mục, nên dùng chậu bầu dục (oval) hay chậu tròn (round). Cây khổng lồ (massive trees) nên dùng chậu sâu hình chữ nhật.

Chăm sóc (culture)

1. Chất trồng nên trộn đều, không để từng lớp ( trường phái xưa của Nhật, xử dụng chất trồng với kích cỡ khác nhau, cỡ lớn nhất bỏ duới đáy chậu, cỡ trung bình và nhỏ là lớp giữa, cỡ nhỏ nhất trải trên mặt). Đây là luật mới, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi.

2. Bón phân với nồng độ đầy đủ (full strength) (luật mới, vẫn còn tranh cãi)

3. Tưới nước từ trên xuống, đừng nhúng chậu vào nước, vì sẽ giúp ngăn muối bám vào chậu, rễ

4. Làm tăng độ ẩm bằng cách dùng một khay có chứa sỏi và nước hoặc giữ cho vùng phía dưới kệ chứa chậu bonsai ướt, đừng phun sương (misting) (đây là luật của tôi). Phun sương là tăng lượng muối bám lên mặt lá)

5. Lấy bỏ tất cả những gì quá nhỏ trong chất trồng, chỉ dùng kích cỡ thô

6. Tưới cây chỉ khi cây cần nước, chứ không phải tưới theo thời khóa biểu cố định (có ý là hệ thống tưới tự động không phải là phương pháp tốt để tưới cho bonsai)

7. Để các cây miền ôn đới ngoài trời. Chỉ có cây miền nhiệt đới và cận nhiệt đới là thích hợp để trồng trong nhà (indoor). Nếu để cây vùng ôn đới trong nhà (indoor), phải cho nó một thời gian ngủ đông thích hợp.
(số 7, tôi thấy không thích hợp cho VN! Nơi tôi ở, ngay cả các cây nhiệt đới, tôi để ngoài trời tuốt, vì như sinh lý cây trồng, nếu không có nắng trực tiếp, thì chẳng chóng thì chầy, cây sẽ suy yếu!)

Và cuối cùng, sách Bonsai Technique I của ông John Naka, xuất bản năm 1973 bởi Bonsai Institute of California, là kho tàng cho những ai muốn biết về ” luật” của bonsai. Bất cứ ai cũng có thể tạo cho mình một cây bonsai coi được nếu theo các hướng dẫn này. Một khi ai đó đã thông thạo, thì người đó có thể bắt đầu tạo bonsai mà không nghĩ về “luật lệ” . (Tác giả ý nói là luật chỉ để hướng dẫn cho những ai mới bắt đầu thích ngành nghệ thuật này, khi đã trưởng thành, thì luật nào cũng có thể phá được! Lần nữa, dùng từ “Luật” là không đúng, vì luật lệ là không thể phá bỏ được! Nên dùng từ “hướng dẫn” (guidelines) thì hay hơn nhiều)

Tạm dừng…

Tuấn Hoàng